Review Sách Sao Chúng Ta Lại Ngủ – Giải Mã Bí Ẩn Khoa Học Về Giấc Ngủ

0 2

Review Sách Sao Chúng Ta Lại Ngủ – Giải Mã Bí Ẩn Khoa Học Về Giấc Ngủ

Rất nhiều người trong xã hội hiện đại ngày nay xem thường giấc ngủ, họ chỉ ngủ trung bình 6 tiếng hoặc thậm chí ít hơn. Họ nghĩ rằng chỉ có trẻ em mới cần ngủ trên 8 tiếng và người trưởng thành chỉ cần ngủ 6 tiếng một đêm. Nếu bạn còn có ý nghĩ như vậy thì đích thị Sao Chúng Ta Lại Ngủ là cuốn sách bạn nên đọc ngay vào lúc này.

Thông tin cơ bản về sách

Công ty phát hành Hải Đăng Book
Ngày xuất bản 10-2019
Kích thước 15.5 x 23.5 cm
Loại bìa Bìa mềm
Số trang 488
Dịch giả Viết Hổ, Lê Na

Nội dung tổng quan của sách Sao Chúng Ta Lại Ngủ

Phần 1: Giấc ngủ và vạn vật

review sao chúng ta lại ngủ

Giấc ngủ chiếm đến ⅓ đời người, tương đương 25 – 30 năm. Trong suốt quá trình ngủ ta không thể kiếm ăn, sinh sản hay hoạt động, đó cũng là lúc ta dễ bị tấn công nhất. Nếu giấc ngủ không đem lại một lợi ích to lớn nào cho con người nói riêng và động vật nói chung, thì đó thật sự là một sự thất bại của tạo hóa.

Giấc ngủ trước hết cải thiện chức năng của não bộ, bao gồm khả năng học hỏi, ghi nhớ và khả năng tư duy để đưa ra các quyết định hợp lý của chúng ta. Ngoài ra, toàn bộ cơ thể của chúng ta cũng được giấc ngủ tăng cường, giấc ngủ làm tăng hệ miễn dịch, ngăn ngừa nhiễm trùng và tránh được nhiều kiểu bệnh tật khác nhau.

Ở phần này, cuốn sách Sao Chúng Ta Lại Ngủ cũng lý giải tại sao khi ta di chuyển từ 2 quốc gia lệch múi giờ, ví dụ như từ Việt Nam sang Mỹ, mặc dù tại Mỹ đang là tầm 1h chiều nhưng ta lại thấy rất buồn ngủ. Hiện tượng trên được gọi là Jet Lag, ngoài ra, bạn cũng sẽ được mở rộng kiến thức của mình đến một khái niệm được gọi là melatonin – một loại hoocmon báo hiệu giờ ngủ của cơ thể, hay thường được gọi là “hoocmon đêm”.

Ai cũng biết caffeine, thậm chí có nhiều người còn dùng nó như là đồ ăn, thức uống không thể thiếu. Caffeine có thể có trong nước giải khát, cà phê, sô cô la,… Đây không hẳn là một chất đáng nguy hại, tuy nhiên ta cần phải sử dụng có chừng mực, đúng lúc. Nếu quá lạm dụng, cơ thể sẽ bị nguy hại rất nhiều. (Mình tin rằng nếu bạn thử đọc qua cuốn sách một lần, bạn sẽ tự giảm lượng caffeine mình dùng mà thôi, bởi vì mình cũng là một người sử dụng rất nhiều caffeine nhưng đã nhận thức được tác hại và cắt bớt caffeine đáng kể).

Giấc ngủ của chúng ta có 2 dạng, REM (Rapid Eye Movement) và NREM (Non Rapid Eye Movement), khi chúng ta tiến vào trạng thái REM, tức là chúng ta đang ngủ mơ, còn ở dạng NREM, thì chúng ta đang chìm vào một giấc ngủ bình thường. Có 4 cấp độ của NREM, cấp độ càng cao, càng khó đánh thức người khác dậy và ngược lại.

Theo những kết quả nghiên cứu về giấc ngủ ở các sinh vật sống trên thế giới này, giấc ngủ có nguồn gốc từ rất cổ xưa, các loài như giun, xuất hiện cách đây khoảng 500 triệu năm, mặc dù hình thức ngủ không giống với các loài động vật ngày nay, giun vẫn được công nhận là có xuất hiện giấc ngủ trong chu kỳ sống của mình.

Nguyên thủy về giấc ngủ của con người là 2 pha, 1 pha vào đầu giờ chiều và pha còn lại vào buổi đêm. Cuộc sống bận rộn ngày nay đã khiến không ít chúng ta phải từ bỏ giấc ngủ trưa mà vốn rất cần thiết cho sức khỏe. Các nghiên cứu trong Sao Chúng Ta Lại Ngủ chỉ ra rằng, những người từ bỏ giấc ngủ trưa có nguy cơ tử vong do các bệnh tim khoảng 37-60% so với những người vẫn thực hiện 2 pha ngủ đều đặn. Đó cũng là lý do tại sao một số nền văn minh ở Hy Lạp – nơi vẫn duy trì thói quen này, có số người sống đến 90 tuổi nhiều gấp 4 lần so với Mỹ.

Quay lại vấn đề về giấc ngủ REM, trẻ sơ sinh từ trong bụng mẹ được nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những đứa bé này có lượng thời gian ngủ REM rất lớn, từ 8 tiếng trở lên và đỉnh điểm là 12 tiếng một ngày. 

Giấc ngủ REM là một nhân tố quan trọng trong việc cấu thành nên hệ thần kinh phức tạp của con người. Qua các thí nghiệm, nếu phụ nữ sử dụng chất kích thích như rượu trong suốt thời gian mang thai, giấc ngủ của đứa bé sẽ bị gián đoạn, từ đó giảm số lượng thời gian ngủ REM đáng kể. Bệnh tự kỷ và các bệnh thần kinh khác được chẩn đoán là có nguyên nhân từ việc này. 

Phần 2: Tại sao bạn nên ngủ?

review sách sao chúng ta lại ngủ

Một nghiên cứu 2 nhóm người, nhóm ngủ trưa và không ngủ trưa. Kết quả cho thấy, nhóm người ngủ trưa có năng suất học tập, tiếp thu thông tin mới hơn 20% so với nhóm người thiếu giấc ngủ ngắn này. Giấc ngủ trưa sẽ giúp chuyển những thông tin ngắn hạn mà ta tiếp thu trước đó đến nơi lưu trữ thông tin dài hạn hơn của não, từ đó, vùng chứa thông tin ngắn hạn sẽ có “khoảng trống” để đón nhận các thông tin mới.

Giấc ngủ đêm thực hiện một chức năng tuyệt vời mà Mẹ Thiên Nhiên đã ban tặng, chúng giúp củng cố những kí ức, thông tin mà ta nhận được sau một ngày dài. Có rất nhiều trường hợp bản thân không nhớ những gì đã được học từ ngày hôm nay, nhưng qua một đêm ngủ dậy, ta lại nhớ được rất nhiều, có thể lên đến 60%, đó chính là nhờ giấc ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm đó.

Có bao giờ bạn gặp tình trạng “À tôi nhớ ra rồi!” chưa? Đó chính là quyền năng của giấc ngủ đêm. Sau một đêm ngủ đủ giấc, ta có khả năng truy cập vào những kiến thức mà đáng lẽ ra chúng ta đã quên hẳn ngay sau khi học và rồi nhẹ nhàng đưa nó vào bộ nhớ dài hạn của não bộ. 

Nhắc đến hiện tượng ngủ gật, người Việt Nam chúng ta thường xem đây chỉ là một vấn đề đơn giản, không quan trọng. Tuy nhiên, ngủ gật được ghi nhận là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông nhiều nhất tại Mỹ, ở Việt Nam, số ca tai nạn do ngủ gật cũng ngày một tăng. Tác giả khuyên rằng:” Nếu bạn thật sự cảm thấy buồn ngủ khi đang lái xe, xin vui lòng, xin vui lòng, hãy dừng xe lại, bởi vì nó không chỉ khiến bạn mất mạng mà còn tước đi mạng sống của những người khác nữa.”

Nguyên nhân cho hiện tượng ngủ gật là do tình trạng thiếu ngủ, không phải người trưởng thành thì chỉ nên ngủ 6 mỗi ngày, đó hoàn toàn là một nhận định sai lầm. Ngủ dưới 7 tiếng một ngày, theo thời gian, sẽ gây suy yếu trầm trọng cho não bộ, đến một mức độ nhất định, sẽ khiến con người ta rơi vào tình trạng ngủ gật – tức là không còn nhận thức được gì trong khoảng 2 đến 3 giây. Vì vậy, hãy cố gắng ngủ đủ giấc mỗi đêm để bảo vệ tính mạng của mình.

Các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở các nước phát triển – những bệnh làm tê liệt hệ thống chăm sóc sức khỏe, như bệnh tim, béo phì, mất trí nhớ, tiểu đường và ung thư – tất cả đều có mối nhân quả được thừa nhận với sự thiếu ngủ.

Có một sự thật rằng, thiếu ngủ sẽ dẫn đến tình trạng suy giảm testosterone ở nam giới, làm cơ thể luôn nhức mỏi và thiếu tập trung, bởi testosterone có chức năng mài dũa sự tập trung ở não bộ. Hơn nữa, thiếu ngủ cũng dẫn đến chất lượng và số lượng tinh trùng suy giảm khoảng 29% so với những người ngủ đủ giấc, thậm chí tinh hoàn ở những người thiếu ngủ cũng được ghi nhận là bị giảm kích thước đáng kể.

Giấc ngủ trọn vẹn và ngon giấc mỗi đêm còn giúp bạn trông trẻ đẹp hơn và tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể. Thí nghiệm cho thấy rằng, những người ngủ đủ giấc có khả năng sinh ra kháng thể mạnh mẽ khi được tiêm phòng vắc xin, còn những người ngủ khoảng 4-5 tiếng sản sinh chưa tới 50% kháng thể.

Phần 3: Sao chúng ta lại ngủ mơ và ngủ mơ như thế nào?

sao chung ta lai ngu

Với những nghiên cứu của tác giả và những tiến sĩ đồng nghiệp của mình, ông chỉ ra rằng, giấc mơ không phải là thước phim tua chậm của những gì diễn ra lúc thức của chúng ta, mà đó là sự khắc ghi và tái hiện lại những ký ức gắn liền với cảm xúc. Lí do bạn hay ám ảnh, mơ về những hình ảnh kinh dị là do trước khi ngủ bạn đã xem những bộ phim kinh dị với người thân, bạn bè, những cảm xúc mạnh mẽ mà bạn có được từ hành động này được tái hiện lại trong giấc mơ của bạn.

Tại sao chúng ta lại ngủ mơ? Ngủ mơ liệu có lợi ích to lớn nào không hay chỉ là một sản phẩm phụ của giấc ngủ REM? Theo tác giả, ngủ mơ đem lại cho chúng ta hai lợi ích quan trọng: (1) ngủ để ghi nhớ các chi tiết của những trải nghiệm quý giá, nổi bật, tích hợp chúng với kiến thức hiện có và đối chiếu cẩn thận về mặt tự nguyện, song (2) ngủ để quên đi, hoặc không nhớ đến, gánh nặng cảm xúc theo bản năng, đau buồn mà trước đây đã được bọc quanh những ký ức đó.

Ngủ mơ còn làm cho chúng ta nhạy bén và chính xác hơn trong việc đánh giá biểu cảm khuôn mặt của người khác. Một thí nghiệm được thực hiện, tất cả những người tham gia được cho xem những hình ảnh khuôn mặt người thay đổi tinh tế các cảm xúc từ cười thân thiện cho đến nóng giận. Những người có một đêm ngủ trọn vẹn, dễ dàng phân biệt các cảm xúc này, ngược lại, những người không có những giấc ngủ mơ, phân biệt một cách chậm chạp và một số người còn không phân biệt được những cảm xúc khác nhau này.

Ngoài việc là một lính gác kiên nhẫn bảo vệ sự tỉnh táo và cảm xúc tốt đẹp của bạn, giấc ngủ REM và hành động nằm ngủ mơ còn có lợi ích khác biệt nữa: xử lý thông tin thông minh, truyền cảm hứng sáng tạo và thúc đẩy giải quyết vấn đề. Đây là một lợi ích thực sự quan trọng cho việc phát triển tư duy sáng tạo của trẻ em hiện nay.

Những người làm trong nghề yêu cầu sự sáng tạo, các lối tư duy linh hoạt để giải quyết các vấn đề khác nhau, ví dụ như những nhà quảng cáo hay các CEO của công ty, rất thường xuyên rơi vào trạng thái “bí”. Nhưng sau một giấc ngủ ngon lành, họ thức dậy và “a ha”, họ đã tìm được câu trả lời cho vấn đề.

Chính giấc ngủ REM, hay ngủ mơ đã làm công việc khó khăn này mà bộ não khi thức không có khả năng giải quyết được, giấc ngủ REM như một nhà xử lý thông tin bao quát, có tầm nhìn rộng và có trí tuệ – khả năng nối các mảnh ghép kiến thức khác nhau để hình thành một ý tưởng khác biệt cho một vấn đề nào đó. Vì vậy, hãy ngủ trước một vấn đề khó khăn.

Phần 4: Từ những viên thuốc ngủ đến biến đổi xã hội

đọc sách sao chúng ta lại ngủ

Có những kẻ phá hoại lúc nửa đêm, những kẻ đã làm cho chúng ta phải trải qua một đêm không mấy vui vẻ và hậu quả là chúng ta bơ phờ suốt cả ngày hôm sau. Một số tên tuổi nổi bật được đề cập đó là mộng du, mất ngủ và ngủ rũ.

Các trường hợp mộng du như nói thành tiếng hoặc động đậy nhẹ nhàng khi ngủ được xem là lành tính, những trường hợp khác như leo lên xuống cầu thang, mở tủ quần áo,…Được xem là khá nghiêm trọng và cần sự can thiệp của y học. Ngủ rũ là tình trạng não bộ luôn nằm ở giữa 2 cực của giấc ngủ, không thức hoàn toàn và cũng không ngủ hẳn, chính vì vậy, nó luôn khiến con người ta mệt mỏi suốt cả ngày, thậm chí dẫn đến tai nạn giao thông khi chúng ta không thể kiểm soát nổi cơn buồn ngủ. Mất ngủ tương tự cũng có nhiều hậu quả đáng chú ý hoặc thậm chí gây tử vong nếu người bệnh có chứng mất ngủ ở cấp độ nặng.

Nếu bạn đọc 10 trang sách bằng Ipad so với 10 trang bằng giấy in trước khi ngủ, bạn sẽ khó chìm vào giấc ngủ hơn rất nhiều. Điều này xảy ra bởi vì ánh sáng xanh từ Ipad hoặc các thiết bị phát ra loại ánh sáng tương tự đã ức chế lượng số lượng lớn melatonin được tiết ra, mà đây lại là một loại chất báo hiệu giờ ngủ đã đến cho bộ não, vi vậy không khó để giải thích vì sao bạn lại khó ngủ sau khi sử dụng Ipad.

Một sai lầm trong nhận thức mà nhiều người vẫn mắc phải đó là rượu sẽ làm chúng ta dễ ngủ và ngủ ngon giấc hơn. Điều này hoàn toàn sai lầm, rượu sẽ khiến chúng ta rơi vào trạng thái gây mê nhẹ, và sẽ phân mảnh giấc ngủ, làm cho ta thức dậy nhiều lần suốt giữa đêm. Đó chính là lý do tại sao nhiều người dùng rượu hôm trước lại hay nhức mỏi vào ngày hôm sau, bởi họ đã không có được một giấc ngủ trọn vẹn nên chức năng hồi phục cơ thể của giấc ngủ không có tác dụng.

Còn một tác nhân khác ngoài melatonin giúp ta dễ chìm vào giấc ngủ hơn, đó chính là nhiệt độ. Theo lẽ tự nhiên, melatonin tiết ra khi mặt trời lặn, cùng lúc này nhiệt độ cũng bắt đầu giảm xuống. Sự cộng hưởng cả hai tác nhân này làm cho chúng ta dễ dàng ngủ hơn. Vì vậy, nếu bạn là người khó ngủ, hãy thử làm mát cơ thể hoặc điều chỉnh nhiệt độ phòng xuống thấp 2-3 độ so với bình thường nhé.

Trong thế giới hiện đại ngày nay, nhiều người sẽ tìm đến thuốc ngủ kê đơn như một giải pháp dễ chìm vào giấc ngủ hơn của họ. Tuy nhiên, những liều thuốc này được các nghiên cứu chỉ ra rằng, chúng sẽ xóa đi 50% kí ức mà bạn có được trước khi ngủ và lâu ngày sẽ giảm khả năng ghi nhớ của bạn.

Những người thức khuya dậy sớm để làm việc, hay cụ thể hơn, là những nhân viên luôn làm thêm giờ và đến công ty từ rất sớm, luôn khiến mọi người nể phục và nhận được rất nhiều sự tôn trọng. Tuy nhiên, phần lớn trong số đó, không có được giấc ngủ 8 tiếng trọn vẹn. Chúng ta chỉ thấy những bề nổi của vấn đề, thực tế, họ chỉ làm việc nhiều hơn, nhưng mức độ hoàn thành và hiệu quả trong công việc không hề cao hoặc thậm chí còn thấp hơn những người ngủ đủ một đêm trọn vẹn trước khi đến công ty.

Cảm nhận của độc giả

review sao chung ta lai ngu
tại sao chúng ta lại ngủ
Leave A Reply

Your email address will not be published.